Quyền tác giả là một trong những quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết thừa nhận. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai cũng đều được thực hiện quyền này. Vậy, ai được xem là có quyền đăng ký quyền tác giả?
Ai có quyền đăng ký quyền tác giả? (Cập nhật 2022)
Nội dung bài viết:
1. Chủ thể nào quyền đăng ký quyền tác giả?
Theo quy định tại Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Luật sửa đổi,bổ sung 2019) chủ thể có quyền đăng ký quyền tác giả bao gồm:
“Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 của Luật này.
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
2. Điều kiện đăng ký bản quyền tác giả là gì?
Để đăng ký bản quyền tác giả, tác giả phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và cũng là chủ sở hữu quyền tác giả.
– Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào.
– Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác.
– Là tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả bao gồm những gì?
Để đăng ký bản quyền tác giả, tác giả cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu như sau:
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả.
+ Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả.
+ Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên. Tờ khai cần ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan. Tờ khai cần có tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
– Hai bản sao tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả.
+ 01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả. 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
+ Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
– Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
– Chứng minh nhân dân công chứng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
Lưu ý: Tất cả các tài liệu nộp kèm đơn đăng ký quyền tác giả phải được làm bằng tiếng Việt.Trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.
4. Thủ tục đăng ký quyền tác giả gồm những bước nào?
Để đăng ký quyền tác giả, tác giả cần thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Xác định thể loại đăng ký.
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Luật sửa đổi, bổ sung 2019).
Cần chú ý rằng, tin tức thời sự thuần tuý đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó hoặc quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu được quy định là đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, do đó không thể đăng ký bản quyền tác giả đối với các đối tượng này.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả.
Hồ sở đăng ký bản quyền tác giả bao gồm tờ khai đăng ký quyền tác giả, hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả và các giấy tờ có liên quan khác được quy định theo pháp luật.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả.
Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tại địa chỉ của Cục Bản quyền tác giả.
Bước 4: Cục Bản quyền tác giả thẩm định Cấp giấy chứng nhận.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
* Một số câu hỏi thường gặp:
- Chi phí đăng ký bản quyền tác giả hết bao nhiều tiền? – Trả lời: Chí phí đăng ký quyền tác giả dao động từ 100.000 VNĐ đến 600.000 VNĐ.
- Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả ở đâu? – Trả lời: Cục bản quyền tác giải hoặc các văn phòng đại diện.
- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bao lâu? – Trả lời: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
Từ những nội dung nêu trên, các bạn đọc giả đã có thể biết được ai là người có quyền đăng ký tác giả và hồ sơ, thủ tục đăng ký quyền tác giả là như thế nào. Để giải đáp thắc mắc cùng như tìm hiểu rõ hơn về quyền tác giả và Luật sở hữu trí tuệ, hãy liên hệ với ACC để được hỗ trợ tư vấn trực tiếp.