Phần mềm máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, nhưng nó có được bảo hộ dưới dạng sáng chế hay không đang là vấn đề có nhiều thắc mắc.
Chương trình máy tính là gì?
Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Theo quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ thì Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:
- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
- Cách thức thể hiện thông tin;
- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
- Giống thực vật, giống động vật;
- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Theo đó, chương trình máy tính thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế được quy đinh trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên theo quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thì
Sáng chế liên quan đến chương trình máy tính là một dạng “sáng chế được thực hiện bởi máy tính”, cụm từ này nhằm chỉ các đối tượng liên quan đến máy tính, mạng máy tính hoặc các thiết bị lập trình được khác mà thoạt nhìn một hoặc nhiều dấu hiệu của đối tượng yêu cầu bảo hộ được thực hiện bởi các chương trình.
Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nhưng nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.
Ví dụ, một thao tác xử lý dữ liệu được điều khiển bởi chương trình máy tính mà về lý thuyết có thể được thực hiện một cách tương đương nhờ các mạch đặc biệt, và việc thực hiện chương trình luôn kèm theo các hiệu ứng vật lý, chẳng hạn các dòng điện, thì bản thân các hiệu ứng vật lý thông thường như vậy không đủ để làm cho chương trình có đặc tính kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu một chương trình máy tính, khi chạy trên máy tính, tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các hiệu ứng vật lý thông thường này thì chương trình đó có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Hiệu quả kỹ thuật khác này có thể là đã biết trong tình trạng kỹ thuật. Hiệu quả kỹ thuật trong trường hợp nêu trên có thể có, ví dụ, trong việc điều khiển một quy trình công nghiệp, trong việc xử lý dữ liệu thể hiện các thực thể vật lý hay trong việc thực hiện chức năng bên trong của chính máy tính hoặc các giao diện của nó dưới tác động của chương trình này và có thể, ví dụ, ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc độ an toàn của quy trình, việc quản lý các tài nguyên của máy tính hoặc tốc độ truyền dữ liệu trên đường truyền.
Do đó, chương trình máy tính có thể được coi là có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nếu chương trình này, khi chạy trên máy tính, có thể tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp chương trình máy tính có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế như nêu trên, thì trong yêu cầu bảo hộ, các đối tượng có tên được thể hiện bằng cụm từ như “chương trình máy tính”, “phần mềm máy tính”, “sản phẩm chương trình/phần mềm máy tính”, hoặc “tín hiệu mang chương trình”, và các cụm từ tương đương khác là không được chấp nhận. Chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới dạng các đối tượng, ví dụ, phương pháp để vận hành một thiết bị thông thường, thiết bị được cài đặt để thực hiện phương pháp, vật ghi chứa chương trình để thực hiện phương pháp.
Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, dịch vụ ACC hân hạnh cung cấp bài viết Phần mềm máy tính có được bảo hộ dưới dạng sáng chế không, với mong muốn cung cấp thông tin pháp lý chính xác và đáng tin cây nhất.