Thông tin về quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ 2022
Quyền tác giả là một trong các quyền của con người được pháp luật Việt Nam thừa nhận trong các văn bản pháp luật mà chủ yếu là Luật sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế. Để bắt kịp tiến độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta, một số thông tin về quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ cũng phải được thay đổi để phù hợp hơn với bối cảnh này. Một số thông tin về quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ 2022 được quy định như sau:
Thông tin về quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ 2022
Nội dung bài viết:
1. Khái niệm tác giả, đồng tác giả
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2022 đã bổ sung các quy định làm rõ hơn khái niệm về tác giả, đồng tác giả (khoản 4 Điều 1):
– Tác giả là người trực tiếp tạo ra tác phẩm;
– Đồng tác giả là trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh;
– Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả;
– Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.
So với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định đồng tác giả là trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm kèm theo điều kiện là đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh một cách chủ ý.
2. Quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả
2.1 Quyền nhân thân trong quyền tác giả
Theo quy định tại điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2022, quyền nhân thân bao gồm:
– Đặt tên cho tác phẩm. Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2.2 Quyền tài sản trong quyền tác giả
Điều 20 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định quyền tài sản bao gồm:
– Làm tác phẩm phái sinh;
– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại.
– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
– Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.
3. Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Đây là một trong những điểm mới nổi bật được quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định chặt chẽ hơn về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca như sau:
“ Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”
* Một số câu hỏi thường gặp:
- Chi phí đăng ký bản quyền tác giả hết bao nhiều tiền? – Trả lời: Chí phí đăng ký quyền tác giả dao động từ 100.000 VNĐ đến 600.000 VNĐ.
- Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả ở đâu? – Trả lời: Cục bản quyền tác giải hoặc các văn phòng đại diện.
- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bao lâu? – Trả lời: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
Như vậy, bài viết này đã cung cấp cho các bạn độc giả thông tin về quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ 2022. Để tìm hiểu kỹ hơn về thông tin của Luật sở hữu trí tuệ, hãy liên hệ trực tiếp với ACC để được hỗ trợ tư vấn.