Có thể thấy, mặc dù những quy định của pháp luật đã phân định việc bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ nhãn hiệu là hai phạm trù khác nhau, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai hình thức bảo hộ này. Hãy cùng tìm hiểu, bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu là như thế nào và nguyên nhân, hệ quả của hiện tượng chồng lấn này là gì trong bài viết này nhé.
Bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu
Nội dung bài viết:
1. Khái niệm quyền tác giả và nhãn hiệu
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Luật sửa đổi, bổ sung 2019) quy định: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Luật sửa đổi, bổ sung 2019) quy định: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
2. Chống lấn quyền tác giả và nhãn hiệu là gì?
Chồng lấn quyền tác giả và nhãn hiệu có thể được hiểu theo nhiều cách. Thông thường chồng lấn quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là việc chủ thể quyền (hoặc chủ sở hữu quyền) yêu cầu nhiều hơn một hình thức bảo hộ cho một đối tượng bảo hộ hoặc yêu cầu sự bảo hộ liên tục từ cơ quan bảo
Chồng lấn quyền tác giả và nhãn hiệu là sự chồng chéo giữa các cơ chế bảo hộ khác nhau của quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp cho cùng một đối tượng của cùng một chủ thể hoặc hai chủ thể khác nhau.
3. Nguyên nhân gây ra việc chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu
– Đối tượng yêu cầu bảo hộ và điều kiện bảo hộ của quyền tác giả và nhãn hiệu có nhiều điểm tương đồng dẫn đến việc khó phân biệt hai quyền này.
– Để mở rộng phạm vi và kéo dài sự bảo hộ độc quyền, nhiều chủ sở hữu đã đăng ký quyền tác giả và nhãn hiệu cho cùng một đối tượng.
– Lợi dụng sự giao thoa trong quy định của quyền tác giả và nhãn hiệu để hợp thức hóa hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa làm tốt công tác phân rõ ranh giới giữa các đối tượng gây ra sự tương đồng về điều kiện xác lập quyền tác giả và nhãn hiệu khiến việc đăng ký hai quyền này trở nên chồng lấn nhau.
4. Hệ quả của việc bảo hộ chồng lấn giữa quyền tác giả và nhãn hiệu
Thứ nhất, trong việc đăng ký, xác lập quyền
Trong trường hợp một chủ thể yêu cầu bảo hộ quyền tác giả đối với một đối tượng, đồng thời đăng ký dấu hiệu đó làm nhãn hiệu thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ thể quyền. Vì họ sẽ đồng thời được hưởng quyền theo sự bảo hộ của cả hai cơ chế cũng như tạo cơ hội kéo dài thời hạn bảo hộ, thời gian được hưởng độc quyền của chủ sở hữu đối với một sản phẩm trí tuệ, bởi nhãn hiệu có thể được bảo hộ trong thời gian dài tùy thuộc ý chí của chủ sở hữu.
Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn bảo hộ này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng, bao gồm lợi ích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, các chủ thể tiếp tục sáng tạo, phá vỡ sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo và công chúng hưởng thụ cũng như tác động đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Trong trường hợp một chủ thể yêu cầu bảo hộ đồng thời quyền tác giả và quyền đối với nhãn hiệu cho cùng một đối tượng, khi có hành vi xâm phạm, họ có thể lựa chọn cơ chế bảo hộ phù hợp nhất hoặc đồng thời vận dụng cả hai cơ chế để ngăn chặn, xử lý. Điều này mang lại phạm vi bảo hộ tối đa cho chủ thể quyền, tuy nhiên cũng dẫn đến sự chồng lấn về thẩm quyền, mâu thuẫn về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và thực thi.
Mặt khác, trường hợp hai chủ thể khác nhau yêu cầu bảo hộ một đối tượng theo cơ chế của quyền tác giả và nhãn hiệu, việc thực thi quyền của các chủ thể sẽ gặp nhiều vướng mắc, tranh chấp, khiến cho các chủ thể quyền tốn kém nhiều thời gian, chi phí để theo đuổi các vụ việc, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và có thể dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi cũng rất khó để xem xét, xác định hành vi xâm phạm và sẽ gặp lúng túng, chậm trễ trong quá trình xử lý vụ việc.
Thứ ba, trong việc thương mại hóa
Việc bảo hộ chồng lấn quyền tác giả và nhãn hiệu đối với cùng một đối tượng của một chủ thể mang lại rất nhiều lợi ích trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng doanh thu cho chủ thể từ việc kinh doanh các sản phẩm gắn nhãn hiệu có uy tín hoặc sử dụng bao bì đã có dấu ấn tốt trong tâm trí người tiêu dùng hay lợi nhuận từ khoản phí chuyển giao quyền sử dụng đối tượng. Bên cạnh đó, chủ thể cũng có thể bảo vệ được tối đa quyền lợi của mình, đòi được bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
* Một số câu hỏi thường gặp:
- Chi phí đăng ký bản quyền tác giả hết bao nhiêu tiền? – Trả lời: Chi phí đăng ký quyền tác giả dao động từ 100.000 VNĐ đến 600.000 VNĐ.
- Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả ở đâu? – Trả lời: Cục bản quyền tác giả hoặc các văn phòng đại diện.
- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bao lâu? – Trả lời: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
Từ những thông tin trên đây, các bạn đã hiểu được bảo hộ chồng lấn quyền tác giả và nhãn hiệu là như thế nào. Để tìm hiểu rõ hơn về các quyền bảo hộ này, hãy liên hệ với ACC để được hỗ trợ tư vấn trực tiếp.