Ngày nay, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp là các lĩnh vực rất phổ biến trong quan hệ sở hữu trí tuệ. Có rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai quyền này, hãy cùng tìm hiểu điểm giống và khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết:
1. Định nghĩa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp
1.1 Quyền tác giả
Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
1.2 Quyền sở hữu công nghiệp
Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
2. Điểm giống nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp
Khi so sánh quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, có thể thấy giữa hai loại khái niệm này đều có những điểm giống nhau như sau:
– Đều là những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chịu sự điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
– Là quyền của chủ thể sáng tạo hoặc chủ thể sở hữu sáng tạo đó.
– Cùng nhằm bảo vệ thành quả sáng tạo của người lao động.
– Giúp bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, tránh xâm phạm đến quyền được bảo hộ.
Tóm lại, có thể thấy, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đều hướng đến mục đích nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đối với tác phẩm của mình.
3. Điểm khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ
Bên cạnh những điểm giống nhau đã nêu ở trên, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp cũng có những điểm khác biệt từ đó tạo nên hai phạm trù khác nhau cùng được quy định trong một ngành luật là Luật sở hữu trí tuệ.
Những tiêu chí để phân biệt quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Tiêu chí |
Quyền tác giả |
Quyền sở hữu công nghiệp |
Đối tượng bảo hộ |
Đối tượng bảo hộ của quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. | Đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. |
Đối tượng không được bảo hộ |
Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: tin tức thời sự thuần thúy đưa tin; văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu. | Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp được chia thành các danh nghĩa như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. thiết kế bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và bí mật kinh doanh. |
Điều kiện bảo hộ |
Luật sở hữu trí tuệ 2005 không quy định chủ thể điều kiện bảo hộ đối với quyền tác giả. Tuy nhiên, để được bảo hộ về quyền tác giả, bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải là người trực tiếp sáng tạo và phải có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác hoặc điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, chỉ các loại hình được Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định mới đáp ứng đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả. | Điều kiện bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp được quy định cụ thể trong Luật sở hữu trí tuệ 2005 nhưng tập trung chủ yếu ở một số khía cạnh sau đây: Sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu; tên thương mại; chỉ dẫn địa lý; mạch tích hợp bán dẫn; bí mật kinh doanh. |
Thời điểm phát sinh |
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. | Căn cứ để xác lập thời điểm phát sinh đối với quyền sở hữu công nghiệp như sau:
– Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý: xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. – Đối với tên thương mại: xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. – Đối với bí mật kinh doanh: xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. – Đối với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh: xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh. |
Thời hạn bảo hộ |
Thời hạn bảo hộ khá dài: có thể hết cuộc đời tác giả là 50 (60 hoặc 70) năm sau khi tác giả qua đời; một số quyền nhân thân của tác giả như tên tác phẩm, tên thật, bút danh được bảo hộ vô thời hạn. | Thời hạn bảo hộ ngắn hơn thời hạn bảo hộ quyền tác giả (kiểu dáng công nghiệp: 5 năm, nhãn hiệu: 10 năm, sáng chế: 20 năm. Từng đối tượng có thể gia hạn thêm một thời gian). |
* Một số câu hỏi thường gặp:
1. Chi phí đăng ký bản quyền tác giả hết bao nhiêu tiền?
Trả lời: Chi phí đăng ký quyền tác giả dao động từ 100.000 VNĐ đến 600.000 VNĐ.
2. Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả ở đâu?
– Trả lời: Cục bản quyền tác giả hoặc các văn phòng đại diện.
3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bao lâu?
– Trả lời: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.
Như vậy, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp là hai phạm trù khác nhau được quy định chung trong một văn bản pháp luật đó là Luật sở hữu trí tuệ. Để tìm hiểu rõ hơn về hai lĩnh vực này, hãy liên hệ trực tiếp với ACC để nhận được tư vấn.